Đặc sản Miền Ninh Thuận




CÁC ĐẶC SẢN CỦA
VÙNG ĐẤT NINH THUẬN

1/ Các loại hải sảnVùng biển Ninh Thuận có nhiều loài hải sản phong phú như: cua, ghẹ, mực, ốc giác, ốc hương, ốc nhung, sò lông, sò dương, sò điệp, hào,... Du khách có thể nướng, luộc, hấp hoặc nướng mỡ hành tùy thích. Lẩu cá mú cũng là món ăn ngon không kém. Đồng thời, bạn cũng không nên bỏ qua món gỏi cá mai hoặc cá nhái. Đây là các loại cá không có vị tanh. Các món ăn ở Ninh Thuận được ưa thích hầu hết là những món ăn dân dã, bình dân, dễ làm, không cầu kỳ. Hàng quán cũng rất bình dân.

2/ Cơm gà Phan Rang
Gà Phan Rang là loài gà thả vườn, thịt gà dai, thơm, không bở như gà công nghiệp. Con gà để dùng nấu cơm là gà mái chỉ vừa đẻ một lứa.Cơm gà Phan Rang khác với cơm gà nơi khác là gà được chặt thành miếng to vừa đủ ăn chứ không xé nhỏ ra đặt lên trên dĩa cơm. Cơm dọn riêng và gà dọn riêng. 
 Cơm gà Phan Rang ăn cùng nước mắm thấm pha với ớt tỏi giã nhuyễn hay với muối ớt rang khô cùng dĩa rau răm. Khi ăn cơm gà Phan Rang, bạn nên dùng tay để xé miếng thịt gà, chấm một tí muối ớt, nhai kỹ ăn một muỗng cơm.

3/ Bánh xèo 
Bánh xèo được đổ trong những chiếc khuôn làm bằng đất nung đặt trong một cái lò tròn. Bánh không dùng nhiều dầu, lượng bột vừa đủ dày để tạo ra độ giòn mà không mất độ dẻo của bánh, nhân bánh được thêm giá sống và hải sản rất tươi ngon như tôm, mực. Nước mắm ăn với bánh xèo được pha với ít đậu phộng giã nhuyễn, hơi lạt để có thể cho chiếc bánh vào ngập chén nước mắm mà không bị mặn. Các loại rau ăn kèm cũng được lựa chọn khá cẩn thận như: Rau diếp cá, rau vạn thọ tây, salad, cải,…


4/ Mực một nắng
Mực của Phan Rang có vị thơm, mềm và ngọt bởi cái vị rất riêng của biển Ninh Thuận. Để có mực một nắng người ta phải chọn mực từ những con mực tươi rói vừa mang từ biển về, sau đó chỉ phơi duy nhất có một lần nắng. Việc phơi mực cũng thật kỳ công để làm sao thân ngoài con mực đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt mực vẫn còn tươi rói và khi nướng, mực vẫn giữ được độ tươi, thịt trắng thơm và dẻo.



5/ Bánh căn
Bánh căn gần giống bánh khọt, nhưng làm bằng bột gạo pha nếp, Nhân bánh dùng tôm, mực, thịt hay trứng. Nước chấm ăn cùng làm từ đậu phụng rang xay nhuyễn, thêm vị chua của me, ngọt của đường, mùi thơm của tỏi phi, hành phi cùng nhiều loại nước chấm khác như nước cá, mắm nêm để tạo ra cảm giác thú vị riêng.





6/ Bánh Canh
Bánh canh chả cá là một món ăn rất phổ biến ở Ninh Thuận. Sợi bánh được làm bằng bột gạo, nước nấu bằng cá biển, nếu khách có yêu cầu thì người ta dùng cá này cho vào tô bánh kèm với chả cá. Chả có hai loại chả hấp và chả chiên, chả vừa dai vừa mềm, vị ngon của cá còn giữ đậm đà. Nước bánh nấu với lửa riu riu nên rất trong, ít béo. Khi ăn, du khách thêm ít hành lá, ít nước mắm dầm ớt cay, vắt vào một tí chanh là sẽ có một tô bánh nóng hổi.

7/ Các món thịt dê và cừu
Dê vốn ăn tạp, thích ăn rong nên vô tình tích lũy những dược tính quý từ thảo mộc. Dê Phan Rang thường ngày được người chăn lùa lên núi hoặc đến những bãi xương rồng tự tìm cái ăn. Dê được chế biến thành nhiều món đậm chất Phan Rang như: Dê nướng: Thịt dê được ướp gia vị có hương vị rất đặc biệt, đậm mùi sả và riềng, có vị cay. Thịt dê luộc khá dân dã nhưng ăn không ngán nhờ phần da dòn. Lẩu dê ăn kèm rau sống với nước súp nấu từ nước luộc dê. Cà ri dê nấu cùng các loại khoai và nước cốt dừa, khá béo ăn kèm với bún…

8/ Dông cát 
Dông là một loại bò sát sống ở những đụn cát nay nắng nóng, có hình dáng mảnh mai như con thằn lằn nhưng rất nhanh nhẹn. Dông được chế biến thành các món phổ biến sau: dông nướng, gỏi dông, dông bằm xúc bánh tráng, lẩu dông lá me, dông hấp...











9/ Rượu vang nho, mật nho
Rượu nho Phan Rang sóng sánh màu đỏ thẫm, trong vắt như hổ phách với một hương vị nồng nàn mà người nông dân đã chắt lọc từ tinh hoa của trời và đất, khi nhấp môi một chút bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm nồng dịu của trái nho, của nắng, của gió và của cả cái ân tình của người dân quê xứ nóng.
Rượu nho càng để lâu chừng nào càng ngon chừng đó. Đặc biệt việc ủ nho ở Phan Rang hoàn toàn không hề dùng bất kỳ loại men rượu nào để làm tác nhân, mà hoàn toàn dựa vào sự lên men vi sinh tự nhiên do sự phối ngẫu giữa nho và đường mía.

10/ Hành tỏi
Với điều kiện thổ nhưỡng quanh năm khô hạn, trong điều kiện đó - có thể ví như một “lò sấy khổng lồ”, chính vì vậy mà hành tỏi Phan Rang có hương vị nồng nàn rất riêng.
Tỏi Phan Rang củ nhỏ, vỏ màu trắng, có rất nhiều tép nhỏ; mùi tỏi thơm nồng, khi ăn có vị cay và hơi nóng. Bảo quản tỏi nên để  trong các bao lưới, treo nơi thoáng mát để dùng dần. (tỏi càng khô bảo quản càng được lâu).

11/ Nước mắm
Nước mắm Phan Rang có thể nói là đặc sản có hương vị riêng biệt không hề thua kém với các thuơng hiệu nước mắm khác trên cả nước.
Nguyên liệu làm mắm thường là cá cơm, nhưng cá cơm săn làm mắm ngon nhất. Với những yếu tốt về địa lý tuyệt vời nên cá cơm Phan Rang rất phù hợp để làm mắm, dù sản lượng hàng năm không nhiều.Tiêu chí để đánh giá chất lượng nước mắm nguyên chất là độ đạm. Nếu muối có nhiều tạp chất thì nước mắm thường có vị chát và có cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi khi nếm. Do vậy nước mắm ngon trước hết phải có vị mặn, kế đến phải cảm nhận được vị ngọt nơi đầu lưỡi và kèm theo mùi thơm nồng đặc trưng


12/ Nem, chả Phan Rang:
Nem: Để có món nem chả giòn, ngọt mà không sử dụng các chất phụ gia. Thịt sử dụng chế biến nem chả phải chọn loại "thịt nóng". Thịt lợn tươi được cho vào cối đá và giã nhuyễn, khi giã không được ngừng tay, vừa nêm gia vị cho vừa ăn. Sản phẩm cuối cùng của công đoạn này là món nem sống. 
Chả lụa:  Được làm từ thịt thăn heo. Heo Phan Rang được chăn nuôi và cung cấp ngay tại thị trường nên tương đối an toàn về vệ sinh thực phẩm. Thịt heo sử dụng phải còn tươi, có màu sầm, mặt cắt thịt khô ráo, sờ rít tay, không mỡ quá. Chả còn được nêm nếm từ nước mắm, muối, 1 thìa, bột sắn, thìa đường, hạt tiêu, dầu ăn…
Chả lụa được gói trong lá chuối thành từng tép nhỏ hoặc từng cây ½ kg. Chả lụa được  gói chặt tay, đều hai đầu khi hấp xong sẽ nở ra căng tròn nhìn rất đẹp mắt.
Chả lụa Phan Rang cũng được dùng rất đa dạng, như cắt chả ăn với bánh canh nóng hay cuốn trong những miếng bánh tráng mỏng thêm ít rau...

13: Nho Phan Rang:
Nho ở Phan Rang được trồng theo lối mắc giàn trên cao. Giống nho cho ra quả có hạt, vị ngọt nhẹ. Tùy theo giống nho để khi chín có màu vàng nhạt, hồng hoặc đỏ thẩm. Nho Phan Rang chỉ dùng ăn tươi, làm rượu chứ không làm nho khô được.
- Nho đỏ: Có hình cầu, trái to khoảng đầu ngón tay cái, vỏ nho rất mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, vị ngọt hài hoà với vị chua nhẹ. Chùm nho thon dài, các trái nho khít gần nhau trên cùng 1 chùm, ít rời rạc.
- Nho xanh: Vỏ quả dày, có màu xanh ngả vàng nhạt, thịt quả trong, có hạt,  vị ngọt đậm không gắt, chua rất nhẹ. Trái khít gần nhau.

14: Cà-phê Phan Rang: Ở Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có đặc trưng văn hóa cà phê rất riêng. Tuy không phải là địa phương trồng và chế biến cà phê, nhưng ai đã từng uống cà phê ở thành phố nhỏ bé này đều khó có thể quên hương vị cà phê nơi đây. Mỗi quán cà phê có tiếng đều có bí quyết chế biến riêng, làm cho khách hàng “nghiện” hương vị cà phê của mình.
Cách pha chế:
- Cho cà phê vào phin, ép nhẹ và chế khoảng 80% nước sôi vào phin cà phê. Từng giọt cà phê đặc quánh sẽ nhỏ giọt vào ly. Khách tự tay khuấy cà phê với đường hoặc sữa cho đến khi nổi bọt. Sau đó bỏ ít đá vào và thưởng thức.
- Cà phê “kho”: Người ta cho cà phê vào túi lọc, bỏ vào ấm đun sôi để sẵn, khi có khách pha luôn vào ly, rất “tốc hành”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét