1 thg 3, 2012

Phép lịch sự khi chào hỏi- bắt tay - Khi điện thoại


LỊCH SỰ KHI CHÀO HỎI

- Người thân quen thường chỉ cần cười với nhau hoặc gật đầu chào là đủ. Tuy nhiên, nếu đã lâu quá không gặp, nên dành năm ba phút dừng lại để hỏi han về sức khỏe, gia đình… Nếu là các mối quan hệ có tính chất trang trọng, nên dừng hẳn lại khi chào hỏi, tránh vừa đi vừa chào.

- Chào người khác bằng cách hất hàm lên là một thái độ khiếm nhã, ngay cả với những người nhỏ hơn hay thuộc cấp của mình. Không dùng cách đưa tay lên chào với người lớn hơn mình. Nếu người ấy chủ động đưa tay chào khi nhìn thấy mình từ xa, cũng chỉ nên cười và cúi đầu để đáp lại. Nói chung, mọi cách thức chào hỏi đều nên kèm theo một nụ cười tươi.


LỊCH SỰ KHI BẮT TAY


Chỉ dừng lại chào hỏi và bắt tay khi biết là mình có thể dành thêm đôi ba phút để trao đổi, thăm hỏi nhau. Nếu chỉ chào hỏi, bắt tay rồi đi ngay thường là không thích hợp lắm.
* Phép tắc chung:
- Chỉ bắt tay bằng tay phải, không dùng tay trái.
- Người lớn tuổi hoặc có vai vế lớn hơn sẽ chủ động đưa tay ra trước.
- Người nhỏ hơn đáp lại bằng cả hai tay và khi bắt tay thì người hơi cúi xuống. Tránh không nắm, siết quá chặt.
- Nếu là bạn bè ngang nhau thì người nào nhìn thấy trước sẽ là người đưa tay ra trước. Trong trường hợp này có thể siết chặt tay hoặc lắc tay để tỏ sự thân mật.
- Nếu một trong hai người là phụ nữ, phụ nữ sẽ phải đưa tay ra trước. Nam giới bắt tay phụ nữ thì không được siết chặt hoặc lắc quá mạnh.
- Nếu là chủ khách chào nhau khi đến thăm nhà, thì chủ nhà phải là người đưa tay ra trước. Khi người khác đưa tay cho mình bắt, nếu đang ngồi phải đứng dậy rồi mới bắt tay.
- Khi chào hỏi cùng lúc nhiều người, việc bắt tay cũng phải theo trình tự thích hợp. Nguyên tắc chung là bắt tay người lớn trước, người nhỏ sau; phụ nữ trước, nam giới sau; người vợ trước, người chồng sau…
- Không cùng lúc dùng hai tay để bắt tay với hai người.

- Không đứng ở một vị trí cao hơn, chẳng hạn như trên thềm nhà, đưa tay xuống cho người khác bắt.
- Không ngậm thuốc lá trong miệng khi bắt tay, dùng tay trái lấy điếu thuốc xuống rồi mới bắt tay.
- Không mang găng tay khi bắt tay, trừ ra phụ nữ mang loại găng mỏng thì không sao.
- Khi bắt tay với một người, không cùng lúc đưa mắt nhìn người khác.
- Khi bắt tay chào đón khách, không bắt tay ngay nơi ngưỡng cửa ra vào.
- Trong đám đông, không bắt tay một người ngay sát trước mặt một người khác.
- Khi khách đến chơi nhà về thì khách đưa tay ra trước khi chào về.
Khi sử dụng điện thoại
- Khi bạn là người gọi, phải chủ động giới thiệu mình ngay khi người bên kia nhấc ống nghe. Nếu chỉ có quan hệ công việc thì nên vào đề ngắn gọn rõ ràng ngay, tránh những lời vòng vo không cần thiết.
- Nếu là số điện thoại được dùng đến lần đầu tiên thì trước hết nên hỏi để xác định có đúng là nơi mình cần gọi hay không.
- Nếu là người nhận điện thoại của một cơ quan, đơn vị, khi nhấc ống nghe phải xưng tên cơ quan, đơn vị của mình. Nếu là nhà riêng chỉ cần dùng từ thông dụng “a-lô” là được, hoặc có thể nói: “A-lô, xin nghe đây”.
- Không nói quá lớn hoặc quá nhỏ. Trước khi gác máy cần báo trước hoặc xác định lại xem người ở đầu dây bên kia có cần nói thêm gì hay không.
- Trừ trường hợp cấp bách hoặc có hẹn trước, đừng bao giờ gọi điện đến nhà riêng vào các giờ nghỉ ngơi, giờ cơm. Gọi đến các cơ quan, đơn vị thì tránh gọi vào lúc gần hết giờ làm việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét