23 thg 4, 2014

Tổ chức Hội trại Thiếu nhi Ninh Thuận- Hè 2014


Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào TT’N năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Ninh Thuận; kế hoạch hoạt động nghiệp vụ Nhà thiếu nhi Ninh Thuận năm 2014; Nhà Thiếu Nhi thông báo kế hoạch tổ chức Hội trại Thiếu nhi Ninh Thuận-Hè 2014 như sau:

I/ MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA
- Hội trại Thiếu nhi Tỉnh Ninh Thuận là một hoạt động truyền thống có ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền và biểu dương những hoạt động của thiếu nhi, các đơn vị tiêu biểu thuộc  các Huyện-Thành trong tỉnh;
- Đây là sân chơi bổ ích được tổ chức 2 năm một lần để các em thiếu nhi sinh hoạt giao lưu, trao đổi và học tập những kinh nghiệm trong công tác tổ chức hoạt động nghiệp vụ, kỹ năng của Đội TNTP Hồ Chí Minh; qua đó nhằm tạo môi trường thuận lợi để các em thiếu nhi thể hiện vai trò, kỹ năng sinh hoạt trong cộng đồng.


II/ THÀNH PHẦN THAM GIA,
1/ Đối tượng
- Đối với lãnh đạo đoàn và phụ trách: Cán bộ lãnh đạo Đội TNTP các Huyện, Thành đoàn, Tổng phụ trách Đội, giáo viên phụ trách.
- Đối với thiếu nhi tham gia: Là các em từ 11 đến 15 tuổi đang theo học tại các trường THCS, là những Đội viên đã có những đóng góp xuất sắc cho hoạt động Đội tại trường học hoặc địa bàn dân cư, có kết quả học tập từ khá trở lên.

2/ Số lượng, cơ cấu thành viên tham gia:
a/ Số lượng:
- Tổng số đơn vị tham gia: 7 huyện, thành.
- Tổng số trại sinh tham gia: 175, trong đó gồm 21 cán bộ phụ trách và 154 Đội viên.
b/ Quy định cơ cấu thành viên tham gia:
- Mỗi huyện, thành Đoàn tổ chức thành 01 đơn vị trại gồm:
03 phụ trách và 22 em Đội viên (trong đó có ít nhất 05 em là nữ).
- Mỗi đơn vị trại phải đảm bảo đủ các thành phần sau:
+ Trưởng đoàn:                         Lãnh đạo huyện, thành Đoàn
+ CB phụ trách:                        CB huyện, thành Đoàn, giáo viên Tổng phụ trách Đội.
+ Đội viên trại:                         Gồm 1 Chi đội trưởng và 03 phân đội. Mỗi phân đội gồm 7 thành viên, có phân đội trưởng và phân đội phó (Tất cả thành viên BCH Đội của các đơn vị phải mang phù hiệu cấp Đội).
- Đối với các đơn vị tham gia vượt số lượng trên: BTC không hỗ trợ các chế độ liên quan cho các thành viên này; những thành viên ngoài danh sách không được trực tiếp tham gia mọi hoạt động chính thức của trại, chỉ được tham gia việc quản lý nhân sự cho đơn vị trại mình.

3/ THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC
a/ Thời gian:
- Đăng ký tham gia: Các đơn vị tham gia gởi công văn đăng ký về Nhà Thiếu nhi chậm nhất vào thứ năm, ngày 26/4/2014;
-  Họp các đơn vị: Dự kiến vào tháng 5 (Có Giấy mời riêng);
- Thời gian tổ chức trại: 03 ngày, dự kiến từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 6 năm 2014.
b/ Địa điểm tổ chức: 
Nhà thiếu nhi tỉnh Ninh Thuận

III/ NỘI DUNG
1/ Chủ đề trại: “Các dân tộc Việt Nam”
2/ Nội dung thi chính:
- Thi thủ công trại: tất cả các trại sinh đều phải thực hiện thi một số kỷ năng thủ công trại như gút dây thực hiện: Bàn ăn, cột cờ, giá phơi đồ,…
- Thi kỹ năng dịch mật thư; trò chơi liên kết, thực hành nhóm: Tất cả trại sinh đều tham gia. Các em sẽ chia thành các nhóm nhỏ để thực hiện các bài tập và thử thách;
- Thi tìm hiểu kỹ năng sống cho thiếu nhi: Trả lời các câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm, liệt kê, đoán ý, hùng biện;
- Thi hát, thi hóa trang trong đêm lửa trại: tất cả trại sinh hóa trang theo chủ đề mà đơn vị đã chọn về một giai đoạn, liên quan đến các nhân vật lịch sử,...
- Diễu hành nghi thức đội trong đêm khai mạc.
(Nhà thiếu nhi sẽ gởi thể lệ các nội dung thi sau)

IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1) Cấp tỉnh
- Tham mưu Tỉnh đoàn ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành Đoàn tham gia Hội trại thiếu nhi; ra quyết định thành lập Ban Tổ chức, các tiểu Ban hoạt động, Ban Giám khảo;
- Chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức.

2) Đối với cấp Huyện-Thành
- Tham mưu Ban chỉ đạo hè của huyện để tạo điều kiện về nguồn kinh phí; Ban Thường vụ Huyện-Thành đoàn chỉ đạo tuyển chọn thiếu nhi theo quy định; chuẩn bị các nội dung để tham gia trại;
- Các đơn vị tự túc toàn bộ kinh phí tham gia trại.

THỂ LỆ TRẠI
I/ THỂ LỆ CÁC PHẦN THI
1/ Phần thi “Kỹ năng trại”.
1.1- Thi làm cột cờ
a/ Số lượng: Các trại tự phân công trại sinh tham gia.
b/ Nội dung: Cột cờ do mỗi đơn vị thiết kế có treo cờ Đoàn và cờ Đội. Chiều cao tối thiểu là 2,5m tính đến đỉnh cột cờ.
c/ Hình thức:
+ Các trại chuẩn bị tre, các dụng cụ kèm theo như: cưa, búa, dây dù (dây dừa), cờ, dây kéo cờ, ròng rọc… Chỉ được sử dụng đinh (cọc) để cố định cột cờ xuống sân nền.
+ Không được cột dây sẵn vào tre.
- Thời gian: Khi có lệnh của BTC, các trại sinh mới bắt đầu thực hiện các công đoạn để làm cột cờ. Thời gian không quá 120 phút.

1.2- Thi Cổng, lều trại.
a/ Số lượng: Quản lý trại hướng dẫn trại sinh thực hiện.
b/ Nội dung, hình thức:
+ Cổng trại: Đơn giản nhưng mang tính thẩm mỹ, thể hiện theo 1 trong 7 chủ đề đã bốc thăm là: Dân tộc Kinh, dân tộc Chăm, dân tộc Hoa, dân tộc RagLay, Miền Nam, Miền Trung và Miền Bắc Việt Nam.
+ Cổng phải có cờ Tổ quốc, tên đơn vị và các trang trí kèm theo chủ đề.
+ Lều: Mỗi trại phải có 01 lều chính là nơi sinh hoạt của đơn vị, có trang trí trại chính cho phù hợp. Có thể dựng thêm lều phụ làm nơi cất giữ tư trang cá nhân của trại sinh.

2- Phần thi “Kỹ năng Đội viên”.
2.1- Số lượng: Tất cả các trại sinh. Mỗi đơn vị trại chia thành 4 nhóm (Mỗi nhóm có 5 hoặc 6 trại sinh).
- Yêu cầu chuẩn bị: Các trại sinh phải mặc trang phục thể thao, đội mũ, mang thẻ trại sinh; mang theo viết, kéo, hồ dán, giấy trắng A4.
2.2- Nội dung: Tất cả các nhóm đều phải trãi qua các trạm, mỗi trạm đều có những thử thách riêng liên quan đến các kỹ năng trại, điều hành nhóm (teamwork), giải mật thư.

2.3- Hình thức: Các nhóm thực hiện theo sự hướng dẫn của BTC gồm các phần thi sau:
+ Thi Morse, Semaphore, mật thư đều được thử thách ở mỗi chặng. Mật thư có dạng là: Chữ = chữ; số = chữ; các ký hiệu theo bảng Morse.
+ Trò chơi : Tất cả các trò chơi ở mỗi trạm sẽ được hướng dẫn trước khi tổ chức. Trò chơi có sử dụng đến 1 số gút dây cơ bản.

3/ Phần thi “Chỉ huy Đội giỏi”.
- Số lượng: Tùy theo từng nội dung thi, các đoàn chọn cử trại sinh tham gia.
- Nội dung: Được chia thành 2 phần: Thực hành và Lý thuyết.
3.1- Phần thực hành:
a/ Diễu hành.
- Số lượng:
+ Mỗi đơn vị thành lập một đội thi với cơ cấu là 01 chi đội gồm 22 em.
+ Đội hình tham gia thi gồm có: 01 chỉ huy Đội, 01 đội cờ (03 em), 03 phân đội, mỗi phân đội gồm 6 em. Dẫn đầu là chỉ huy đội, đến đội cờ, ba phân đội.
- Hình thức:
+ Đây vừa là một nội dung của Nghi thức khai mạc hội trại vừa là phần thi thực hành;
+ Các đội sẽ thực hiện các nghi thức Đội: Dậm chân tại chỗ, đi đều, chuyển hướng vòng, chào tay.
- Trang phục:
+ Các đoàn tự chọn mẫu đồng phục của trại sinh nhưng phải đảm bảo yêu cầu: Áo sơ mi, quần hoặc váy vải, đội mũ calô, thắt khăn quàng, đeo băng chéo và đeo phù hiệu cấp Đội.
+ Đi giày hoặc dép có quai hậu.

3.2- Phần Lý thuyết:
a/ Thi "Hiểu biết”:
- Số lượng: Mỗi đội chọn 3 trại sinh
- Nội dung: Tìm hiểu về “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” và Điều lệ, nghi thức Đội TNTP HCM. (BTC không gởi trước câu hỏi tìm hiểu Điều lệ, nghi thức Đội).
- Hình thức:
+ Các đội sẽ bốc thăm và lần lượt thi trên sân khấu.
+ Mỗi đội sẽ chọn 1 bộ đề gồm 6 câu hỏi dạng trắc nghiệm (04 câu về “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” và 02 câu Điều lệ, nghi thức Đội TNTP HCM).
+ Thời gian suy nghĩ là 10 giây/câu. Trả lời đúng được cộng 2 điểm/câu.
+ Điểm tối đa của phần thi này là 12 điểm.
b/ Thi “Hùng biện”:
- Số lượng: Mỗi đội chọn 1 trại sinh tham gia phần thi.
- Nội dung: Trại sinh tự chọn một trong 3 nội dung sau:
+ Mối quan hệ giữa Thầy và Trò;
+ Mối quan hệ giữa Ba-Mẹ và con cái;
+ Mối quan hệ giữa bạn bè đồng trang lứa;
- Thời gian không quá 6 phút
- Điểm tối đa của phần thi này là 10 điểm.
c/ Thi “Người phụ trách”
- Số lượng: 2 trại sinh
- Nội dung: Các đội sẽ bốc thăm chọn 1 câu hỏi với nội dung tìm hiểu về thực hành nghi thức Đội. Sau 30 giây suy nghĩ, các đội phải đưa ra câu trả lời. Thời gian trả lời không quá 2 phút/đội.
VD: Em hãy nói về “Chào kiểu Đội viên Thiếu niên Tiền phong”.
TS1 đứng làm mẫu kiểu chào, TS2 diễn giải ý nghĩa, hình thức của chào kiểu Đội viên TP theo hướng dẫn về nghi thức Đội. TS có thể sử dụng que giảng để chỉ các động tác minh họa.
- Các câu hỏi chuẩn bị:
+ Chào kiểu đội viên Thiếu niên Tiền phong;
+ Thắt khăn, tháo khăn quàng đỏ;
+ Cầm cờ; cầm cờ ở tư thế nghiêm; cầm cờ nghỉ, giương cờ;
+ Từ tư thế  cầm cờ nghiêm chuyển sang giương cờ;
+ Vác cờ; động tác, tư thế vác cờ;
+ Động tác đứng nghỉ, đứng nghiêm;
+ Động tác quay bên trái, quay bên phải;
+ Động tác dậm chân tại chỗ;
+ Động tác tiến, lùi;
+ Đi đều.

4/ Thi “Kỷ lục Trại hè”
4.1/ Đá cầu.
a/ Đá cầu đơn nam và đơn nữ:
+ Mỗi đơn vị trại cử 2 trại sinh (01 nam-01 nữ) tham gia thi; trại sinh nam, nữ thi riêng.
+ Mỗi thí sinh được thực hiện 2 lần và chọn kết quả cao nhất để tính điểm;
+ Khi có lệnh trọng tài, thí sinh phải liên tục dùng chân để tung cầu (“khắc” cầu); trại sinh chỉ được “khắc” cầu bằng chân tính từ vùng đùi xuống bàn chân; cầu rơi vào các bộ phận khác của cơ thể hoặc rơi xuống đất…xem như phạm quy;
+ Cầu thi là loại cầu được sử dụng học tập trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
+ Trại sinh nào “khắc” nhiều nhất là người thắng cuộc. Nếu bằng điểm nhau thì các trại sinh bằng điểm sẽ thực hiện lại 01 lần để xác định người thắng cuộc.

b/ Đá cầu tập thể.
+ Mỗi đơn vị cử 5 trại sinh tham gia;
+ Mỗi đội được thực hiện 2 lần và chọn kết quả cao nhất để tính điểm;
+ 5 trại sinh sẽ đứng trong vòng tròn bán kính 3m. Khi có lệnh trọng tài, các trại sinh phải liên tục dùng chân để tung cầu (“khắc” cầu) qua lại giữa 5 trại sinh của đội; Mỗi trại sinh chỉ được “khắc” tối đa 2 lần liên tục khi nhận được cầu. Trại sinh chỉ được khắc cầu bằng chân tính từ vùng đùi xuống bàn chân; cầu rơi vào các bộ phận khác của cơ thể hoặc rơi xuống đất, trại sinh của đội đưa 1 hoặc 2 chân vượt ra khỏi vòng tròn…xem như phạm quy;
+ Đội nào “khắc” cầu trong thời gian lâu nhất sẽ thắng cuộc. Nếu bằng điểm nhau thì các đội bằng điểm sẽ thực hiện lại 01 lần để xác định đội chiến thắng.

4.2/ Chuyển bóng về đích
+ Mỗi đơn vị trại cử 2 trại sinh (01 nam-01 nữ) tham gia thi; trại sinh nam, nữ thi riêng.
+ Mỗi trại sinh chỉ tham gia qua 1 lần để tính kết quả;
+ Khi có lệnh trọng tài, các trại sinh dùng tay để ôm thật nhiều quả bóng nhựa nhỏ, sau đó di chuyển về đích để bỏ bóng vào rổ; Mỗi trại sinh chỉ được ôm bóng và di chuyển về đích 3 lần. Số bóng rơi không tính.
Căn cứ tổng số bóng chuyển được sau 3 lần của mỗi trại sinh để xác định kết quả thắng cuộc.

4.3/ Bịt mắt cõng bạn
+ Mỗi đơn vị trại cử 2 trại sinh (không kể nam, nữ) tham gia thi;
+ Các đội sẽ bốc thăm thi 1 lượt có 2 hoặc 3 đội;
+ Trại sinh cõng bạn sẽ bị bịt mắt (gọi là TS1); trại sinh được cõng (TS2) sẽ hướng dẫn TS1 di chuyển qua đoạn đường gồm nhiều chướng ngại vật để đưa quà về đích.
+ Thời gian dành cho mỗi đội là 3 phút; Kết thúc 3 phút nếu đội nào có số quà đem về nhiều hơn sẽ chiến thắng. Nếu đồng điểm sẽ xác định bằng thời gian kết thúc việc đem quà cuối cùng về đích.
+ BTC sẽ chọn 3 đội xếp vị trí 1, 2 ,3 ở vòng thi 1 vào thi tiếp vòng 2, sau đó sẽ xếp kết quả chung cuộc.

4.4/ 5 người 6 chân.
+ Mỗi đơn vị trại cử 5 trại sinh (có ít nhất 02 nữ) tham gia thi;
+ Các đội sẽ bốc thăm thi vòng 1 mỗi lượt có từ 2 đến 3 đội. Đội xếp thứ 1, 2, 3 sẽ vào thi vòng 2;
+ Các trại sinh xếp thành 1 hàng ngang tại vạch xuất phát. Các chân trại sinh sẽ bị buộc vào nhau từng cặp: Cổ chân trái TS1 cột với cổ chân phải của TS2, cổ chân trái TS2 cột với cổ chân phải TS3…, tương tự cho đến thí sinh 5.
Khi có lệnh trọng tài, các đội phải phối hợp cùng nhau để di chuyển về đích. Khoảng cách là 10 m. Khi TS cuối cùng qua vạch đến là kết thúc phần thi của đội. Trong quá trình di chuyển nếu có TS bị ngã thì được quyền chỉnh đốn đội hình tại điểm đó và tiếp tục di chuyển về đích.
+ Quyết định thắng thua: Căn cứ vào thời gian kết thúc sớm nhất phần thi của mỗi đội để xác định đội thắng cuộc.

5/ Thi hóa trang.
5.1- Số lượng: Tối thiểu 12 trại sinh. Điểm khuyến khích cho tất cả trại sinh của đơn vị tham gia.
5.2- Nội dung:
Theo nội dung bốc thăm, các đơn vị sẽ hóa trang trại sinh về trang phục theo đúng dân tộc hoặc vùng miền đó.
5.3- Hình thức:
Các đơn vị sẽ biểu diễn một bài múa mang âm hưởng của dân tộc hoặc vùng miền mà đơn vị đã hóa trang. Thời gian không quá 06 phút.

II/ CÁCH TÍNH ĐIỂM
- Hội trại Thiếu nhi Ninh Thuận-Hè 2014 được tổ chức gồm 5 phần thi, mỗi phần thi gồm có nhiều nội dung như: Trò chơi, mật thư, hùng biện, trắc nghiệm,….
- Cách tính điểm ở từng nội dung, phần thi được xác định như sau:
1/ Tính điểm cho mỗi nội dung thi:
+ Xếp thứ nhất được cộng 10 điểm;
+ Xếp thứ nhì được cộng 8 điểm;
+ Xếp thứ ba được cộng 6 điểm;
+ Xếp thứ tư được cộng 4 điểm;
+ Xếp thứ 5 đến 7 được cộng 2 điểm;
Các đội không hoàn thành hoặc quá thời gian thì được đánh giá cùng xếp thứ 5.
2/ Điểm phần thi.
Căn cứ vào số điểm mà các đội đã đạt được ở mỗi nội dung của từng phần thi để xác định đội đạt giải nhất, nhì, ba của phần thi đó.
3/ Điểm toàn đoàn.
3.1/ Điểm cộng:
Là tổng số điểm các đơn vị đạt được qua 05 phần thi của Hội trại;
3.2/ Điểm trừ:
- Căn cứ vào việc các đơn vị chấp hành nội quy, chương trình của BTC. Điểm trừ là 01 điểm/lần;
- Các lỗi bị trừ:
+ Sau khi BTC thổi còi tập trung 120 giây trong các hoạt động, nếu đơn vị không đủ số lượng (Trừ trường hợp vắng đã có sự đồng ý của BTC);
+ Trong quá trình tham gia thi, tập trung, sinh hoạt tại đơn vị … nếu có trại sinh không nghiêm túc mà đã bị BTC nhắc nhỡ 01 lần về lỗi đó;
+ Tham gia các nội dung thi nhưng có trại sinh không đảm bảo về trang phục, thẻ đeo, dụng cụ thi… theo quy định của BTC.

3.3/ Xếp loại.
- Căn cứ trên tổng số điểm đạt được, sau khi trừ điểm vi phạm (nếu có) BTC sẽ xếp các đơn vị theo thang điểm từ cao xuống thấp, tương ứng với các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích toàn đoàn.
- Nếu điểm các đơn vị bằng nhau, đội nào có điểm trừ hoặc điểm trừ lớn hơn sẽ xếp thấp hơn;
- Nếu điểm các đơn vị bằng nhau nhưng không có điểm trừ, BTC sẽ căn cứ vào các xếp hạng tham gia của các phần thi để xác định.

Ghi chú: Ban Tổ chức có thể thay đổi một số nội dung của thể lệ và sẽ thông báo trước mỗi cuộc thi đến các đơn vị trại được biết. ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét